Vì sao tài chính vi mô chưa phát triển ở VN?
Ngoài chức năng
kinh tế là đem lại nguồn lợi để từ nuôi sống mình, các tổ chức Tài chính vi mô
(TCVM) còn được biết đến với một chức năng xã hội khác là giúp đỡ những hộ
nghèo vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, hiện nay mô hình TCVM vẫn chưa phát triển
mạnh ở Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc
điều hành Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam về vấn đề này.
Hiện nay vai trò xóa đói giảm nghèo của ngành tài chính vi mô ở nước
ta vẫn chưa phát triển
như mong đợi. Ông đánh giá sao về điều này?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Ngành tài
chính vi mô những năm qua đã đóng góp vai trò to lớn trong công cuộc xóa đói giảm
nghèo. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Thứ nhất là quy mô của các tổ chức tài
chính vi mô hiện nay còn khá nhỏ bé so với các tổ chức tài chính vi mô trên thế
giới. Hơn nữa, số lượng các tổ chức tài chính vi mô cũng còn rất ít nên chưa
đáp ứng được nhu cầu rất lớn của những người nghèo hiện nay.
Để phát huy tối đa vai trò của TCVM, Nhà nước đã có những chính
sách gì để hỗ trợ các tổ chức này?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Để giúp cho
ngành TCVM phát triển, trên cơ sở đó giúp đỡ được nhiều người nghèo hơn nữa, về
mặt hành lang pháp lý, Nhà nước cần có những quy định tạo thuận lợi hơn nữa cho
ngành TCVM phát triển.
Trong những năm qua, ngành TCVM mới
chỉ có được 2 Nghị định điều chỉnh, đó là Nghị định 28 và Nghị định 165 của
Chính phủ. Tuy nhiên, những Nghị định này vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định,
đó là hạn chế về quy mô của các tổ chức TCVM cũng như điều kiện để thành lập một
tổ chức này. Hơn nữa, về mặt pháp lý, những quy định để các tổ chức TCVM hoạt động
còn nhiều hạn chế.Hy vọng rằng, trong những năm tới môi trường chính sách cho ngành TCVM sẽ được cải thiện hơn nữa để ngày càng có nhiều TCVM ra đời một cách thuận lợi và giúp đỡ được nhiều người nghèo hơn.
Theo ông, khó khăn lớn nhất mà các tổ chức TCVM của nước ngoài tại
Việt Nam gặp phải là gì? Tại sao các tổ chức này chưa thể phát triển mạnh ở Việt
Nam?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Hiện nay
theo tôi được biết, có rất nhiều tổ chức tài trợ cũng như đầu tư của nước ngoài
muốn đầu tư vào ngành TCVM do nhận thấy tính ổn định và tỷ lệ hoàn trả cao. Tuy
nhiên, khó khăn khi thâm nhập thị trường Việt Nam là môi trường pháp lý như đã
nói ở trên vẫn chưa thuận lợi để họ đầu tư vào Việt Nam. Hiện vẫn chưa có những
quy định cụ thể nào để hỗ trợ ngành TCVM trong nước.
Hơn nữa, bản thân các tổ chức TCVM
trong nước cũng gặp không ít khó khăn nên chưa phát triển được quy mô. Đặc
trưng của ngành TCVM là thực hiện hai chức năng: Chức năng xã hội là giúp đỡ những
người nghèo; chức năng kinh tế là phải thu đủ bù chi, tự nuôi sống mình để tồn
tại và phát triển.Tuy nhiên, các tổ chức này hiện nay hoạt động với quy mô nhỏ bé nên khả năng tự vững còn rất yếu. Vì họ thu lãi suất thấp nên phải mất rất nhiều thời gian để có thể mở rộng quy mô. Chính vì vậy, tổ chức TCVM hoàn toàn khác xa so với các DN tư nhân khác trong việc tự mở rộng quy mô bởi họ vẫn phải đảm bảo chức năng xã hội.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thị trường TCVM ở Việt Nam trong tương lai?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn: Thị trường TCVM ở Việt Nam còn rất lớn khi các tổ chức TCVM hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của người nghèo. 60% còn lại với khoảng hơn 12 triệu người nghèo vẫn còn đang sống dưới mức nghèo và chưa tiếp cận được những dịch vụ của TCVM.
Đây được xem là cơ hội lớn để
ngành TCVM phát triển. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức quốc tế khác đang muốn đầu
tư vào ngành TCVM, kể cả những “đại gia” như Coca cola, Unilever, Citi Bank…
cũng đang có xu hướng đầu tư vào lĩnh vực này.
Xin cảm ơn ông!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét