Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Còn ma trận sở hữu chéo, không thể tái cấu trúc kinh tế

 

 

Còn ma trận sở hữu chéo, không thể tái cấu trúc kinh tế

(Tài chính)- "Nhà nước muốn các tập đoàn kinh tế giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế trong khi chúng đang dẫn nền kinh tế xuống đáy mà vẫn để yên thì rất phi lý. Phải kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại và các lĩnh vực đầu tư không đúng chức năng, chấm dứt việc lợi dụng mục tiêu công ích để chèn ép doanh nghiệp tư nhân" - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành. 
PV: Nhiều chuyên gia kinh tế tài chính nhận xét: bài toán ma trận này rất khó giải, như mớ bòng bong không biết phải lần từ mối nào, rút một sợi dây thì động đến cả rừng. Theo ông, để giải bài toán ma trận sở hữu chéo, Việt Nam phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào? 
Ông Bùi Kiến Thành: - Việt Nam đã để ma trận sở hữu chéo đi quá mức kiểm soát. Cơn bệnh đã nặng tới mức nếu cho uống thuốc gì cũng đều dẫn tới tử vong. 
Thế nhưng, chủ trương của Chính phủ lại không để bất cứ một ngân hàng nào phá sản, dù cho họ có làm ăn bết bát, sai luật, nợ xấu tới 50-60%.
Để thực hiện chủ trương đó, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Công ty mua bán nợ xấu VAMC với giãn thời gian xử lý nợ xấu của các ngân hàng thương mại trong vòng 5 năm, làm sạch báo cáo tài chính để các ngân hàng này tiếp tục hoạt động. Tuy vậy, các ngân hàng thương mại cũng không mặn mà gì với việc bán nợ xấu, vì sao?
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Ở đây có hai nguyên nhân. Thứ nhất, nếu bán nợ xấu cho Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại sẽ mất mát một số lượng lớn tín dụng. Ví dụ, nếu ngân hàng có 50.000 tỷ đồng tổng tín dụng, trong đó có 20.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu bán số đó đi, báo cáo tài chính của ngân hàng sẽ sạch nhưng mỗi năm ngân hàng phải tìm được 4.000 tỷ đồng để mua lại nợ xấu, bằng cách nào không rõ.
Chưa kể, theo Thông tư 20/2013/TT-NHNN quy định về cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của VAMC, mức tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng không vượt quá 70% so với mệnh giá trái phiếu đặc biệt, nghĩa là tổ chức tín dụng bán nợ xấu dù theo đúng giá trị ghi sổ nhưng chỉ nhận về tối đa 70% giá trị đó, đồng thời vẫn phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro 20% giá trị nợ xấu trong vòng 5 năm.
Trong khi, các ngân hàng thương mại này cho rằng, nợ của họ xấu nhưng chưa đến nỗi xấu hẳn, có nghĩa là số tài sản thế chấp nếu tiến hành giải chấp thì có thể thu hồi lại được nhiều tiền hơn nếu bán nợ cho Ngân hàng Nhà nước.
Trên thực tế, việc giải chấp phải thông qua Tòa án, chưa kể có muốn bán tài sản thế chấp cũng không dễ trong điều kiện kinh tế như hiện nay nhưng các ngân hàng thương mại dạng này không chịu thua thiệt mà bám vào hi vọng giải chấp tài sản thế chấp đó.
Nguyên nhân thứ hai, xem ra phổ biến hơn là khi bán nợ xấu, các ngân hàng thương mại buộc phải để Ngân hàng Nhà nước vào thanh tra, kiểm tra nợ xấu đó từ đâu, cho đối tượng nào vay.
Với loại nợ xấu do sở hữu chéo như đã phân tích (xem thêm bài 1 – PV), nghĩa là chủ yếu là cho thành viên hội đồng quản trị ngân hàng vay, để Ngân hàng Nhà nước vào đồng nghĩa với việc “lạy ông tôi ở bụi này”, rằng ngân hàng cũng là anh mà con nợ cũng là anh. 
Khi mà mọi vấn đề được minh bạch, các thành viên tham gia vào ma trận sở hữu chéo sẽ phải đối mặt với việc vi phạm hàng loạt quy định về hoạt động ngân hàng, phải chịu trách nhiệm từ dân sự tới hình sự.
Có thể thấy, các ngân hàng thương mại yếu kém đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu cứ duy trì tình trạng này thì sớm hay muộn cũng sẽ gây đổ vỡ dây chuyền, không chỉ họ phá sản mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tài chính cũng như toàn nền kinh tế. Nếu bán nợ xấu, sẽ phanh phui ra nhiều chuyện trái pháp luật. 
Tới thời điểm này, dường như, các vị lãnh đạo ngân hàng thương mại vẫn đang tin rằng họ sẽ có giải pháp cho tình trạng này. Có vẻ họ đặt niềm tin vào sự phục hồi trong nay mai của bất động sản Việt Nam hay chuyện lobby chính sách để hỗ trợ thị trường. Trên thực tế, họ cũng đã đạt được một số giải pháp nhưng đều không mang lại hiệu quả gì đáng kể.

Ông Bùi Kiến Thành:Ma trận sở hữu chéo rất nghiêm trọng

PV: - Các ngân hàng thương mại vì những tính toán của mình vẫn đang kiên trì duy trì tình trạng hiện tại. Tuy nhiên, giữ vai trò quản lý, Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp như thế nào để tránh được sự lung lay được báo trước của toàn hệ thống ngân hàng, thưa ông? Liệu có giải pháp nào gỡ ma trận sở hữu chéo ở Việt Nam hiện tại?
Ông Bùi Kiến Thành: - Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra một quyết sách rõ ràng và áp dụng cho được. Dù cho các ngân hàng thương mại muốn che giấu nợ xấu thì Ngân hàng Nhà nước nếu không tự che mắt mình cũng có thể chỉ rõ tình hình tài chính của các ngân hàng này. 
Khi đó, để thực hiện mục tiêu không để ngân hàng thương mại nào đổ vỡ vì quyền lợi của người gửi tiền (chứ không phải vì lợi ích nhóm bảo kê cho các ngân hàng thương mại yếu kém) thì Ngân hàng Nhà nước phải công khai chịu trách nhiệm trả tiền cho người gửi tiền và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề dựa trên nguyên tắc tiên quyết đó.
Thứ nhất, trong vấn đề mua bán nợ xấu, các ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, có số nợ xấu đến mức gây nguy hiểm cho hệ thống phải bị “cách ly”, chịu trách nhiệm xử lý các khoản nợ vay dưới sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Dù phải bán hết tài sản để bảo toàn tiền gửi cho người dân thì ngân hàng thương mại cũng buộc phải chấp nhận để chịu trách nhiệm cho hoạt động kinh doanh yếu kém của mình.
Thứ hai, buộc những người lợi dụng danh nghĩa cổ đông đi vay ngân hàng phải trả nợ, bán hết tài sản cá nhân để trả nợ được đến đâu tốt đến đấy. Phải làm sao cứu được ngân hàng, cấu trúc ngân hàng sao cho hoạt động tốt chứ không bao che cho những người lợi dụng ma trận sở hữu chéo, làm phương hại tới sự an toàn của ngân hàng thương mại nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy trách nhiệm dân sự về vấn đề quản lý ngân hàng và trách nhiệm hình sự về việc làm sai quy định nhà nước, gây ra hệ quả nghiêm trọng, trong hoạt động ngân hàng đối với những vị lãnh đạo các ngân hàng thương mại nói trên. 
Theo thông lệ quốc tế, lãnh đạo ngân hàng đưa ra quyết định sai phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trong trường hợp đã nghiên cứu kỹ, do năng lực hạn chế và hoàn cảnh khách quan, vị lãnh đạo đó có thể không bị truy cứu trách nhiệm.
Trong trường hợp cố ý làm sai, lãnh đạo ngân hàng thương mại phải lãnh trách nhiệm vô giới hạn. Họ phải thương thảo mang tài sản riêng ra đền bù thiệt hại do những việc làm sai của mình. Nếu không, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vị lãnh đạo này. Các nước khác vẫn làm như vậy, chỉ có Việt Nam là không.
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có quyết tâm và nhất định phải chọn được người có năng lực để làm cho đúng và triệt để những việc phải làm. Bằng không, khi hệ thống ngân hàng bị đổ vỡ, cả nền kinh tế sẽ bị ngưng trệ. 
PV: - Câu hỏi cuối cùng, nếu vẫn tồn tại ma trận sở hữu chéo, việc tái cấu trúc nền kinh tế có thể thực hiện được không và vì sao, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: - Không thể tái cơ cấu được. Để tái cơ cấu là trong một nền kinh tế thị trường, tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi ngân hàng đang lún vào nợ xấu không rút ra được, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn thì để nền kinh tế cầm cự được đã khó, chứ không nói đến tái cơ cấu nền kinh tế.  
Đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên và nghiêm trọng nhất của việc đóng băng tín dụng chính là các doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong 8 tháng đầu năm 2013, đã có 39.400 doanh nghiệp phá sản.
Nếu chính phủ và Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh chính sách tiền tệ cho phù hợp. Nếu không cải thiện hệ thống tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn, sự đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không chỉ dừng lại ở đó.
Vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại là một câu chuyện khác. Trước đây, Nhà nước muốn có quyền chủ động trong quản lý kinh tế nên cho thành lập Tập đoàn Nhà nước, với mục đích phục vụ công ích, vì lợi ích của cộng đồng chứ không phải kinh doanh lấy lãi.
Vì thế, Chính phủ chỉ định các ngân hàng cấp cho doanh nghiệp nhà nước những khoản vay ưu đãi, thậm chí kinh doanh thua lỗ còn được khoanh nợ, giãn nợ, rồi xóa nợ.
Thực tế hiện nay hoàn toàn khác. Doanh nghiệp nhà nước đặt mục tiêu kinh doanh, dùng những lợi thế của mình để cạnh tranh, chèn ép doanh nghiệp tư nhân. Thay vì phục vụ công ích, các doanh nghiệp này lại làm hại cho việc kinh doanh của cả nền kinh tế.
Các doanh nghiệp nhà nước cũng đang sở hữu ngân hàng thương mại, góp mặt trong ma trận sở hữu chéo. Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn thoái vốn nhưng tiến độ rất chậm.
Mặt khác, Nhà nước yêu cầu không được làm mất vốn, đó là nhiệm vụ bất khả thi nếu thoái vốn trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay. Vì vậy, lãnh đạo các tập đoàn dường như đã không chọn giải pháp hoạt động theo mục đích được giao mà tìm mọi cách duy trì lợi ích cá nhân. 
Ấy thế nhưng xử lý các doanh nghiệp này thì không đơn giản. Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước là “con mình”, xử mạnh tay cũng không đành lòng. Thứ hai, những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước cũng không thể xử lý như người bình thường được vì vướng những quy định về tổ chức cán bộ.
Tóm lại, muốn thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế đầu tiên phải phá băng tín dụng, nghĩa là xử lý số nợ xấu phát sinh từ ma trận sở hữu chéo. Có như vậy mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn với lãi suất hợp lý để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. 
Về phần các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước muốn các tập đoàn kinh tế giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế trong khi chúng đang dẫn nền kinh tế xuống “địa ngục” mà vẫn để yên thì rất phi lý. Phải kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi ngân hàng thương mại và các lĩnh vực đầu tư không đúng chức năng, chấm dứt việc lợi dụng mục tiêu công ích để chèn ép doanh nghiệp tư nhân. 
Nhà nước có đầy đủ công cụ thể thực hiện những việc trên, mong rằng các vị lãnh đạo có trách nhiệm và quyền lực kịp thời nhận thức rõ nguy cơ dẫn đến sự đổ vỡ của cả hệ thống ngân hàng, và quyết liệt thực hiện những cải tổ cần thiết, đặt nền tảng cho nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Hoàng Hạnh (Thực hiện)

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Ông Bùi Kiến Thành:Ma trận sở hữu chéo rất nghiêm trọng

Ông Bùi Kiến Thành:Ma trận sở hữu chéo rất nghiêm trọng

(Tài chính)- Việc dồn tiền vào bất động sản liên quan thế nào tới vấn đề sở hữu chéo và an toàn của hệ thống ngân hàng, cũng như toàn nền kinh tế? Chuyên gia Bùi Kiến Thành lý giải vấn đề đang được nhiều người quan tâm này.
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành
PV: - Cả tháng nay, dư luận xôn xao trước vấn đề ma trận sở hữu chéo được ông Nguyễn Xuân Thành, thuộc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright đưa ra trong một hội thảo. Vấn đề khó hiểu tới mức một vị lãnh đạo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, "thấy hoa mắt", "chắc ai cũng thông minh, trừ tôi". 
 
Là chuyên gia cao cấp về tài chính, ông có thể giúp độc giả hiểu đúng và nhanh nhất về hiện tượng cũng như bản chất của ma trận sở hữu chéo này? 
 
Ông Bùi Kiến Thành: - Phát biểu của vị lãnh đạo rất thú vị bởi lẽ, ông ấy là người đã từng giữ những chức vụ lãnh đạo cao trong ngân hàng thương mại. Việc một người thông hiểu về hệ thống ngân hàng phải tự nhận là “không thông minh” như vậy có nghĩa vấn đề sở hữu chéo ở Việt Nam đang rất nghiêm trọng.
 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, thuộc Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright  đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề này, từ đó đi đến sơ đồ mạng nhện sở hữu chéo hiện nay ở các ngân hàng. Gọi là ma trận cũng đúng vì hoạt động của nó rất phức tạp.
 
Vấn đề sở hữu chéo có thể tạm chia thành hai nhóm như sau: một là sở hữu chéo ngân hàng - ngân hàng, hai là sở hữu chéo nhóm lợi ích – nhiều ngân hàng. 
 
Sở hữu chéo ngân hàng – ngân hàng tồn tại bởi lẽ tại Việt Nam, khi một ngân hàng thương mại mới được cấp giấy phép hoạt động, giấy phép đó đã được coi là có giá trị. Các cổ đông của ngân hàng mới được cấp phép phát hành cổ phiếu, bán ra ngoài với mức chênh lệnh gấp 2-3 tài sản thực tế đang có và hưởng phần lãi chênh lệch.
 
Những ngân hàng lớn vì muốn đầu tư hay vì thế lực, quan hệ mua cổ phiếu của ngân hàng nhỏ với mức giá cao hơn giá trị thực, hoặc cho những ngân hàng này vay mà không giám định. Điều đó khiến cho nếu ngân hàng nhỏ bị phá sản thì ngân hàng lớn cũng bị lụy theo. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu chéo ngân hàng – ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chưa tới mức nghiêm trọng lắm.
 
Gây nguy hiểm nhất cho hệ thống tài chính Việt Nam hiện nay là sở hữu chéo nhóm lợi ích – nhiều ngân hàng. Ví dụ, một người có 1000 tỷ đồng mua cổ phần của ngân hàng A, lấy cổ phần đó đến ngân hàng B để thế chấp vay, được thêm 1000 tỷ đồng nữa.  
 
Người đó sẽ quay lại ngân hàng A để mua thêm cổ phần để được vay nhiều hơn, hoặc mua cổ phần của ngân hàng C, lấy cổ phần của ngân hàng C để thế chấp vay ngân hàng D, được 1000 tỷ đồng mua cổ phần của ngân hàng E… Cứ như vậy, chỉ 1000 tỷ đồng chạy thành ra 5000-7000 tỷ đồng bằng cách sở hữu chéo tại nhiều ngân hàng. 
 
Vậy tại sao người ta lại làm như vậy? Bởi những người vay mua cổ phiếu, thành cổ đông lớn của ngân hàng thì sẽ khống chế, chi phối được ngân hàng đó để vay cho mục đích đầu tư cá nhân của mình.
 
Kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có những ngân hàng nhỏ, tổng số tín dụng huy động 40.000 – 50.000 tỷ đồng, cho cổ đông vay đến 50-60% số đó, nghĩa là ngân hàng thương mại trở thành công cụ huy động vốn trong dân để tài trợ cho hoạt động sân sau của cổ đông. Như vậy cả hệ thống ngân hàng bị lún vào vấn đề sở hữu chéo của một số người. 
 
Các nước khác có gặp phải vấn đề như Việt Nam hay không? Câu trả lời là: Không, bởi không ở đâu có chuyện một anh nắm quyền cổ đông lớn của ngân hàng thì sẽ tự cho mình hoặc người quen của mình vay “vô tội vạ” như thế.
 
Nhật Bản có 6 tập đoàn lớn, mỗi tập đoàn sở hữu một ngân hàng (ví dụ Tập đoàn Mitsubishi có Ngân hàng Mitsubishi, Tập đoàn Sumitomo của Ngân hàng Sumitomo Mitsui…). Theo luật, các ngân hàng này chỉ cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vay không quá 20% vốn điều lệ, chứ không phải vì cùng thuộc tập đoàn mà muốn cho vay bao nhiêu cũng được.
 
Ma
"Gọi là ma trận cũng đúng vì hoạt động này ma quái trong mục đích cũng như cách thực hiện".
 
PV: - Tại sao sở hữu chéo nhóm lợi ích - nhiều ngân hàng lại gây nguy hiểm nhất cho hệ thống ngân hàng? Và việc tồn tại ma trận sở hữu chéo này đang gây ra những hậu quả gì cho hệ thống tài chính và việc điều hành kinh tế ở Việt Nam, thưa ông?
 
Ông Bùi Kiến Thành: - Theo số liệu được báo cáo về Ngân hàng Nhà nước, tại nhiều ngân hàng thương mại, tín dụng bất động sản chiếm 30-40% tổng tín dụng. Đó là chưa kể rất nhiều doanh nghiệp vay tiền ngân hàng trên giấy tờ là để đầu tư vào mục đích sản xuất kinh doanh nhưng thực chất để đầu tư bất động sản.
 
Vậy việc dồn tiền vào bất động sản liên quan thế nào tới vấn đề sở hữu chéo và an toàn của hệ thống ngân hàng, cũng như toàn nền kinh tế? 
 
Trong những năm qua, đầu tư bất động sản là hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận. Các chủ dự án được sử dụng đất của người nông dân chỉ phải đền bù hoa màu với mức từ vài trăm ngàn tới hơn 1,5 triệu đồng/m2.
 
Khi bán ra, giá bất động sản có thể lên tới vài chục đến cả trăm triệu đồng/m2, như vậy, lợi nhuận từ các dự án bất động sản từ mấy trăm % tới hàng nghìn %. Vì siêu lợi nhuận như vậy nên các chủ dự án có thể vay ngân hàng với lãi suất rất cao, 20-30%.
 
Tới thời điểm này, bất động sản đang đưa ra những sản phẩm không có thị trường. Những căn hộ với mức giá từ 20 triệu đồng/m2 tới 70 triệu đồng/m2 được giao dịch chủ yếu giữa các nhà đầu cơ, còn người mua cuối cùng để sử dụng thì rất ít. 
 
Xét từ phía cầu, các giải pháp hiện nay chưa tạo nguồn tín dụng an toàn, dễ tiếp cận để người dân vay mua nhà. Các ngân hàng trước đây cho vay với lãi suất 16%, sau giảm thành 10%.
 
Vừa rồi Chính phủ đưa ra chính sách cho vay với lãi suất 6% trong vòng 10 năm, nhưng chính sách đó vẫn chưa phù hợp. Người dân không dám vay mua nhà giá trị bằng 20-25 năm thu nhập mà phải trả trong 10 năm. Nói cách khác, người dân có nhu cầu nhà ở cũng không đào đâu ra tiền để mua.
 
Có thể thấy, bất động sản Việt Nam đang không có giải pháp. Những nhóm lợi ích lợi dụng sở hữu chéo rút tiền huy động trong dân đưa vào những dự án bất động sản là chính, giờ không rút ra được. 
 
Theo quy định của Basel II & III, thì nợ xấu của ngân hàng không được vượt quá 2% trên tổng dư nợ. Nhưng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thì nợ xấu đang ở mức 8,6%, cao gấp 4 lần so với các quy định của Basel.
 
Nếu dựa trên đánh giá của các tổ chức quốc tế, nợ xấu tại Việt Nam đang ở mức 14-15% thì mức chênh lệch còn lớn hơn nữa.  Dù theo cách đánh giá nào thì nợ xấu tại Việt Nam cũng đang ở ngưỡng “báo động đỏ” mà nguyên nhân chủ yếu do sở hữu chéo của các nhóm lợi ích “chết” trong bất động sản.
 
Điều này rồi sẽ dẫn tới đâu? Khi một mắt xích trong ma trận sở hữu chéo bị phá sản thì sẽ gây hiệu ứng domino, ảnh hưởng tới toàn hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng lung lay thì toàn nền kinh tế sẽ lung lay.
 
PV:  - Liệu ông có thể lý giải vì sao ma trận sở hữu chéo như hiện nay tồn tại được? 
 
Ông Bùi Kiến Thành: - Theo thông lệ, Ngân hàng Nhà nước có Ban Thanh tra với nhiệm vụ phải thanh tra để áp dụng những quy định của Nhà nước về hoạt động ngân hàng và xử lý kịp thời những sai phạm. Để xảy ra tình trạng này nghĩa là Ngân hàng Nhà nước đã chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
 
Tôi xin lấy một ví dụ, cách đây không lâu, báo chí có phanh phui vụ việc một vị lãnh đạo ngân hàng vay được 9.000 tỷ đồng trên 11.000 tỷ đồng vốn điều lệ của ngân hàng đó. Trên giấy tờ, không phải chỉ vị lãnh đạo đó ký tên vay mà là tài xế, người làm công… trong nhà ông lãnh đạo đó vay và ông ta là người thụ hưởng. 
 
Chấp nhận giả định là nghiệp vụ nhân viên ngân hàng thương mại kém, hoặc vì hám lãi suất mà ngân hàng thương mại cố tình bỏ qua không thẩm tra tính bất hợp lý của việc một ông tài xế lương 5-7 triệu/tháng đi vay một khoản tiền vài trăm hay vài nghìn tỷ đồng, khi đó buộc phải đặt câu hỏi, hoạt động giám sát của Ngân hàng Nhà nước được thực hiện thế nào mà để xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng như vậy, không nhận ra những khoản vay đáng ngờ đến vậy?. 
 
Nếu năng lực nghiệp vụ của ngân hàng thương mại đó kém đến mức không nhìn thấy gì thì Ngân hàng Nhà nước phải xem lại và chịu trách nhiệm về sự yếu kém của các cơ quan và công chức trực thuộc.
 
Bài tiếp: Còn ma trận sở hữu chéo, khó có thể nói chuyện tái cấu trúc kinh tế
 
Hoàng Hạnh (Thực hiện)

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Sở hữu chéo và những dạng biến thể

Sở hữu chéo và những dạng biến thể

Đang có những biểu hiện khác lạ chứng minh một màn kịch mới về tình trạng sở hữu chéo lộ diện trong việc ma bán cổ phiếu của Ngân hàng thương mại Cổ phần Á Châu (ACB).
Cuối quý 1/2013 khi chốt danh sách cổ đông để chuẩn bị đại hội thường niên năm 2013, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) nhận thấy trong số những nhà đầu tư có một tổ chức là một ngân hàng khác đang sở hữu 1,8% cổ phiếu ACB.

Sang đầu tháng 6/2013, số lượng cổ phiếu ACB do tổ chức này nắm giữ đã tăng lên thành 3%, chứng tỏ họ thường xuyên mua vào để nâng tỷ lệ.

Cùng thời điểm đó, ACB thông báo (công bố thông tin trên trang web của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM) đã mua khoảng 16,1 triệu cổ phiếu quỹ với tổng giá trị 260 tỉ đồng.

Trước đó ngân hàng công khai sẽ mua khoảng 55,4 triệu cổ phiếu quỹ với số tiền dự tính hơn 1.000 tỉ đồng. Lý do ACB không mua hết cổ phiếu quỹ như đăng ký được giải thích là “biến động giá của thị trường không phù hợp”.
Có một điểm mà dư luận đang lo ngại: nợ xấu của hệ thống ngân hàng càng cao, thì sở hữu chéo ngân hàng càng chằng chịt.
Có một điểm mà dư luận đang lo ngại: nợ xấu của hệ thống ngân hàng càng cao, thì sở hữu chéo ngân hàng càng chằng chịt.
Những màn kịch mới

Giới tài chính đoán già đoán non ACB ngưng mua cổ phiếu quỹ vì trong thời gian ACB mua, giá cổ phiếu có nhích lên, ngày biến động cao điểm chừng 10%, chưa kể ngân hàng đã trả cổ tức và thị giá thông thường được điều chỉnh giảm tương ứng. Không ai muốn mua đắt, nên ACB ngưng mua.

Số khác đưa ra giả thiết ACB đã thương thảo được với những nhà đầu tư lớn và sẽ mua thỏa thuận của những người này trong một thời điểm thích hợp, nên không cần mua khớp lệnh trên sàn nữa.

Chẳng phải ngẫu nhiên ACB mua cổ phiếu quỹ. Một nhóm nhà đầu tư với sự hậu thuẫn của những nguồn vốn vay khác nhau, đã không ngưng nghỉ mua vào cổ phiếu ACB kể từ khi giá của nó lao dốc sau sự kiện bầu Kiên.

Một nhà đầu tư trong nhóm nói rằng họ không có ý định thâu tóm, họ mua đơn thuần vì thấy giá cổ phiếu ACB đang thấp hơn giá trị thực. Tuy không khẳng định chính thức, có lý do để tin nhóm của ông đã có trong tay tầm 5 - 10% cổ phần ACB.

Cho dù tổng tài sản sụt giảm mạnh trong năm ngoái và lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay chỉ bằng 50% so với cùng kỳ, nhưng ACB là một ngân hàng minh bạch và có nền tảng tốt. ACB đang tiếp tục hành trình thoái hết những khoản đầu tư tài chính, trở lại với kinh doanh cốt lõi là ngân hàng bán lẻ.

Á Châu đã chuyển nhượng sở hữu ở các ngân hàng Eximbank, Đại Á, Kiên Long và đang thương thảo số cổ phần nắm giữ ở VietBank (Ngân hàng Việt Nam Thương Tín). Hầu hết những khoản đầu tư trên đều có lời ở mức độ khác nhau và việc thoái vốn củng cố tiềm lực tài chính của ngân hàng.

Bên nhận chuyển nhượng những cổ phiếu ngân hàng mà ACB bán ra chủ yếu thuộc các nhóm đầu tư tài chính, đã và đang là cổ đông của không ít tổ chức tín dụng. Hầu hết những màn kịch chuyển nhượng, kể cả của cổ đông nước ngoài, họ cũng tham gia.

Họ đã từng mua lại khoảng 7% cổ phần một ngân hàng từ một quỹ đầu tư nước ngoài. Tổng giám đốc quỹ đầu tư ngoại - bên bán - thừa nhận họ (nhóm đầu tư trên) là người duy nhất có thể mua, còn tiền mua từ đâu thì ông lắc đầu, không biết.

Cây tầm gửi sở hữu chéo

Đầu năm nay, báo chí đã hơn một lần lên tiếng phản ánh khi trước thềm đại hội cổ đông, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam công khai trong tài liệu gửi cổ đông và công bố rộng rãi cho nhà đầu tư biết, đưa ra một ứng cử viên vào hội đồng quản trị vốn có liên quan đến một nhóm tội phạm đã bị xóa sổ trong quá khứ.

Ngân hàng Nhà nước dĩ nhiên bác bỏ phương án này và việc chuyển nhượng nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của một nhóm cổ đông lớn tại đây vẫn chưa thể thực hiện. Điều đáng nói là nhóm cổ đông này cũng đang nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn ở một ngân hàng khác.

Cho đến nay nếu cứ chiểu theo giấy trắng mực đen, theo Luật Các tổ chức tín dụng, không có cổ đông thể nhân nào sở hữu quá 5% cổ phần một ngân hàng. Cũng không có pháp nhân nào nắm giữ quá 15% cổ phần một tổ chức tín dụng.

Thế nhưng trên thực tế tình trạng lại không hẳn như vậy. Cổ phần ngân hàng được đứng tên dưới nhiều người khác nhau, có người thậm chí cả đời chưa một lần đặt chân tới ngân hàng như anh lái xe, cô giúp việc nhà, ông làm vườn, bà vú…

Cựu chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng kể hồi ông còn tại vị, một cổ đông cho biết sở hữu hơn 20% cổ phần ngân hàng và trưng ra danh sách 50 người đứng tên giùm. Ông tá hỏa khi biết đó là sự thật.

Phải gọi việc sở hữu cổ phần ngân hàng dưới tên những người đứng tên giùm là ma trận. Ai đứng tên giùm ai, cách thức chuyển nhượng ra sao, tiền mua tiền bán đến và đi như thế nào, chỉ người trong cuộc biết. Không ai dại gì đem những mối quan hệ đó ra ánh sáng, công khai cho thiên hạ rõ.

Đến khi cần thiết phải sử dụng quyền của những cổ đông lớn nhằm phủ quyết hoặc thông qua một quyết sách của ngân hàng, đến khi cần vay mượn những khoản tín dụng ưu đãi cho các công ty sân sau, những ông chủ thật mới lộ diện.

Cách đây 5-7 năm, hiện tượng một cá nhân hay pháp nhân tham gia vốn vào nhiều hơn hai ngân hàng đã có, nhưng chỉ ở quy mô nhỏ với mục đích sử dụng vốn ngân hàng tài trợ cho những địa chỉ của chính họ. Việc liên kết giữa cổ đông ngân hàng này với cổ đông ngân hàng khác, tạo thành những khối cổ đông đủ sức thao túng thị trường tiền tệ không xảy ra.

Đến năm 2010 với sự suy thoái trầm trọng của thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu ngân hàng giảm sâu, sự liên kết bắt đầu xuất hiện và ngày càng hiện diện chặt chẽ. Khi đó cơ hội sở hữu một ngân hàng trở nên rộng mở.

Trước đây khi thị giá cổ phiếu ngân hàng từ vài chấm đến mười mấy chấm, người ta phải có tiền tỉ mới sở hữu được mấy phần trăm một ngân hàng. Nay thì khác. Vài ngàn tỉ đồng có thể “làm sạch” một ngân hàng!

Không ai có nhiều “tiền tươi thóc thật” đến mức đứng ra mua đứt một ngân hàng. Cách thức đầu tư ngân hàng là cuốn chiếu. Có một đồng, họ vay ngân hàng một đồng, thành ra có hai đồng. Lấy hai đồng ấy mua cổ phiếu ngân hàng, mang cổ phiếu thế chấp, vay tiền mua tiếp.

Không có ngân hàng nào đủ lực và đủ liều lĩnh dám cho vay để đầu tư cả một ngân hàng khác. Muốn vay được nhiều tiền, phải chi phối được ngân hàng cho vay. Cứ thế sở hữu chéo lan ra, như cây tầm gửi, leo hết ngân hàng này đến ngân hàng nọ.

Vay tiền ngân hàng A đầu tư ngân hàng B. Vay tiền ngân hàng B đầu tư ngân hàng C. Vay tiền ngân hàng C đầu tư ngược trở lại ngân hàng A… Cái chuỗi liên kết đó có sức mạnh ghê gớm, nó khống chế, công phá ban tổng giám đốc các ngân hàng. Từ đây, việc chi phối thị trường tiền tệ và cao hơn là thị trường vốn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nợ xấu và sở hữu chéo

Trong hội thảo mới đây “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo” do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức ngày 31/7/2013, các diễn giả đã đề cập nhiều đến tác hại của sở hữu chéo đối với nền kinh tế, đến sự phát triển thị trường tài chính. Tuy nhiên câu hỏi tháo gỡ sở hữu chéo như thế nào, bằng các biện pháp gì, chưa được đào sâu như kỳ vọng.

Trực tiếp giám sát các ngân hàng như Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng thật không dễ khi phát hiện và xử lý sở hữu chéo. Làm sao có đủ bằng chứng để chứng minh cổ phiếu ngân hàng do bà B đứng tên thực chất là thuộc quyền sở hữu của ông A?

Ở các nước, các ngân hàng niêm yết chịu sự quản lý của cơ quan chứng khoán, nhưng ngân hàng niêm yết ở ViệtNamvẫn thuộc quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước nhiều hơn.

Nói vậy để thấy nếu Thanh tra Ngân hàng Nhà nước mà bó tay với sở hữu chéo, thì liệu Trung tâm lưu ký chứng khoán hay Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thể làm rõ trắng đen? Quyền lực của cơ quan chứng khoán đối với ngân hàng không thể so sánh với quyền lực của Ngân hàng Nhà nước.

Vỏ quýt dày, móng tay nhọn. Nhìn từ xuất phát điểm một trong những mục đích chủ yếu mà sở hữu chéo ngân hàng hướng tới là vay được tiền (mục đích khác có thể là thâu tóm để làm một ngân hàng trở nên mạnh hơn hoặc yếu nhằm hạ bệ nó để cạnh tranh) cho những đối tượng định trước, thì tập trung thanh tra tín dụng, tìm đường đi của đồng vốn, mối quan hệ giữa các đối tượng vay vốn… là việc cơ quan quản lý không thể bỏ qua.

Một ngân hàng, thí dụ có vốn chủ sở hữu 4.000-5.000 tỉ đồng, mà nợ xấu có khả năng mất vốn lên tới mười mấy ngàn tỉ đồng, thì rõ ràng tín dụng ở đây có vấn đề. Không một ban tổng giám đốc nào lại đủ nghị lực ký các hợp đồng tín dụng cho vay nhiều rủi ro đến thế trừ trường hợp họ biết rõ người vay là ai, có quan hệ ra sao với các cổ đông chóp bu của ngân hàng.

Có một điểm mà dư luận đang lo ngại: nợ xấu của hệ thống ngân hàng càng cao, thì sở hữu chéo ngân hàng càng chằng chịt. Đành rằng nợ xấu chủ yếu là do kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thua lỗ, sử dụng vốn vay không hiệu quả, không trả được nợ.

Nhưng nợ xấu còn có nguyên nhân từ cho vay công ty sân sau, từ rót vốn quá quy định cho những đối tượng cần kiểm soát, từ vay vốn để đầu tư tài chính… Đây mới là tác động tiêu cực sâu xa của sở hữu chéo ngân hàng, đòi hỏi phải được khắc phục, tiến tới xóa bỏ càng nhanh càng tốt.
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Sở hữu chéo làm rối loạn vốn, lợi ích nhóm cục bộ

Sở hữu chéo làm rối loạn vốn, lợi ích nhóm cục bộ

(ĐVO) –"Việc giám sát nguồn vốn trách nhiệm đã quá rõ ràng, vì đã để dòng vốn không đi đúng mục tiêu mà lại đi phục vụ cho các mục đích khác. Do vậy khuyết điểm trong quản lý, chỉ đạo của ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại là rõ ràng".
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt những vấn đề liên quan đến ma trận sở hữu chéo và đầu tư chéo trên thị trường tài chính thời gian qua.
TS Cao Sy Kiêm: Sở hữu chéo đang gây hậu họa cho thị trường vốn và đặc biệt là hoạt động của ngân hàng khi tiền tệ bị méo mó.
TS. Cao Sy Kiêm: Sở hữu chéo đang gây hậu họa cho thị trường vốn và đặc biệt là hoạt động của ngân hàng khi tiền tệ bị méo mó.
Dồn lợi ích cho một số nhóm cục bộ
PV: - Tại hội thảo “"Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính" được tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thành có trình bày ma trận sở đầu tư, sở hữu chéo giữa các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước với hệ thống các ngân hàng thương mại. Ông có thể nói rõ hơn về cách dùng vốn ngân sách của các Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng tạo mối liên kết chéo để dễ dàng điều chỉnh các dòng tài chính này? Có thể hiểu hiện tượng này là lũng đoạn nền kinh tế không, thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Tôi nghĩ rằng việc này rất nghiêm trọng và đang gây hậu họa cho thị trường vốn và đặc biệt là hoạt động của ngân hàng khi tiền tệ bị méo mó. Bây giờ phải giải quyết khâu này nếu không tất cả vốn dồn vào cho một số lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ dưới danh nghĩa sở hữu chéo nhưng sự thực là dồn vốn cho các doanh nghiệp thành viên, những cổ đông trong ngân hàng chứ không đưa vốn ra ngoài. Thông qua các công ty con, các nhóm này phục vụ cho quyền lợi của riêng mình. 
Bây giờ phải có những giải pháp quyết liệt để bớt những mối liên hệ căn bản của nó, nếu kéo dài sẽ dẫn đến tất cả dòng vốn không tập trung theo hướng chỉ đạo mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm riêng.
Xử lý không đơn giản
PV: - Vậy với ma trận này, theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát vốn ngân sách, dẫn đến tình trạng trì trệ, kém hiệu quả trong sản xuất  của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước? Ông nghĩ sao về việc giám sát nguồn vốn ngân sách tại các Tập đoàn kinh tế Nhà nước? Ma trận sở hữu chéo này có là nguyên nhân vô hiệu hóa việc thanh tra, giám sát vốn?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thất thoát vốn.
Có nhiều tổ chức tín dụng chi phối bởi một nhóm cổ đông và dư nợ của nhóm cổ đông này và các khách hàng có liên quan chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của một tổ chức tín dụng, thậm chí có thể chiếm tới 90%”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói trước Quốc hội hồi tháng 11/2012.

 
Còn với việc giám sát nguồn vốn trách nhiệm đã quá rõ ràng, vì đã để dòng vốn không đi đúng mục tiêu mà lại đi phục vụ cho các mục đích khác. Do vậy khuyết điểm trong quản lý, chỉ đạo của ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại là rõ ràng.
Tất nhiên cái này cũng khó bởi nếu có cấm đoán từ trước thì việc sở hữu chéo có thể vẫn diễn ra vì các ngân hàng, cổ đông thông đồng với nhau. Đến khi phát hiện cũng khó xử lý chứ không phải đơn giản.
PV: - Theo nhận định của các chuyên gia, sở hữu chéo ở Việt Nam hiện nay đang 1 lợi, 10 hại thế nhưng nếu ra tay làm mạnh thì có thể dẫn đến nguy cơ sập hệ thống ngân hàng, nhưng chậm thì việc tái cơ cấu hệ thống coi như lỡ dở. Ông nghĩ sao về nhận định này?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Tôi nghĩ rằng nếu làm mạnh tay, triệt được hẳn việc này thì không lo nguy cơ sập hệ thống ngân hàng, mà lo rằng khi mạnh tay không đúng hoặc mục tiêu không rõ thì có thể dẫn đến hiện tượng tràn lan và xử vào những chỗ không phải tội như thế thì cũng có nguy cơ hỏng việc.
Không thể nói chuyện không làm ở đây. Tuy nhiên làm thì phải có cơ chế, mục tiêu, phối hợp quản lý chặt chẽ nhịp nhàng giữa cơ chế và các ngành chức năng với nhau thì mới làm được.
Nếu không thì sẽ giống như việc rút viên gạch ở cuối cùng của một chồng gạch sẽ bị đổ cục bộ.
Nếu không giải quyết sở hữu chéo lúc này sẽ làm tăng thêm nhiều nguy cơ và việc tái cấu trúc cũng không đạt yêu cầu.
"Tôi xin nói thật, kể cả cơ quan công an vào cũng không dễ dàng gì. Xử lý vấn đề nghiêm trọng nhất của sở hữu chéo chính là việc ngăn chặn thao túng của các cá nhân, cổ đông lớn biến các ngân hàng thành ngân hàng “sân sau” của mình".
Ông Dương Quốc Anh (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)
PV: - Thưa Tiến sĩ, như ý kiến trong hội thảo, việc ngân hàng nhà nước dùng sở hữu chéo để xử lý 9 ngân hàng yếu kém là giải pháp có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề trong tương lai. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
TS TS Cao Sỹ Kiêm: -  Cũng phải công nhận rằng việc sở hữu chéo cũng có những mặt tích cực nhất định, thúc đẩy mối liên kết giữa các đối tác kinh doanh, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bên ngoài, hoặc trong bối cảnh điều kiện kinh tế thay đổi quá nhanh.
Đặc biệt sở hữu chéo tạo nguồn tài chính dồi dào, bền vững. Tuy nhiên, có được điều này là khi dòng vốn phải được đặt đúng tiêu chí, đúng địa chỉ.
Nếu bị lợi ích nhóm cục bộ chi phối thì nền kinh tế sẽ không được gì. Sở hữu chéo lúc này sẽ làm tăng tác hại lên, do vậy phải kiên quyết làm đến cùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Có tới 8 nhóm vấn đề có thể phát sinh từ hoạt động đầu tư chéo.

Thứ nhất, việc sở hữu chéo có thể dẫn tới các giao dịch bất hợp lý, phi thị trường (unfair) giữa các tổ chức có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Các giao dịch này có thể dẫn tới các hành vi chuyển giá, trốn thuế…

Thứ hai, việc sở hữu chéo ảnh hưởng tiêu cực tới công tác quản trị công ty. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định không thuần túy vì mục đích kinh doanh, không hoàn toàn vì lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông không nắm giữ quyền chi phối, quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Thứ ba, việc sở hữu chéo có thể làm giảm mức độ minh bạch và sức cạnh tranh cũng như động lực phát triển trong hoạt động doanh nghiệp, từ đó làm giảm tính minh bạch và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra sự e ngại, tác động không tốt tới việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt từ các cổ đông chiến lược.

Thứ tư, việc sở hữu chéo, đặc biệt trong trường hợp các ngân hàng sở hữu cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, một mặt, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí hợp lý, mặt khác chính điều này làm giảm động lực phát triển, giảm tính năng động, tạo sức ỳ lớn cho doanh nghiệp.

Thứ năm, tiềm ẩn rủi ro thị trường cho danh mục các cổ phiếu, cổ phần của các công ty con, công ty liên doanh, liên kết… Trường hợp là các cổ phiếu niêm yết và thị trường suy giảm, thiệt hại của danh mục đầu tư này làm giảm tổng giá trị tài sản của các tổ chức tín dụng, giảm năng lực tín dụng, từ đó làm giảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Thứ sáu, việc sở hữu chéo làm bóp méo (tăng) giá trị doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu (bị đội giá trị - double counting). Ngoài ra, việc sở hữu chéo còn có thể dẫn tới tình trạng tăng vốn ảo. Cụ thể, các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhau, hạch toán sở hữu cổ phiếu (bù trừ cho nhau) và không kèm theo việc thanh toán bằng tiền. Trong trường hợp tăng vốn ảo từ việc sở hữu chéo, các cổ đông khác sẽ bị thiệt hại do tác động của hiện tượng pha loãng làm sụt giảm giá thị trường của cổ phiếu.

Thứ bảy, sở hữu chéo còn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, đặc biệt tại các doanh nghiệp niêm yết. Lý do là các cổ đông sở hữu chéo thông thường nắm giữ cổ phần của nhau trong một thời gian dài, mà nếu lượng cổ phiếu nắm giữ bởi các cổ đông này quá lớn, phần cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floating shares) còn lại ít thì cổ phiếu đó rất dễ là đối tượng của các hoạt động lạm dụng, thao túng thị trường.
Bích Ngọc (Thực hiện)

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Ngân hàng Nhà nước đứng trước ma trận sở hữu chéo

Ngân hàng Nhà nước đứng trước ma trận sở hữu chéo

(ĐVO) – Sở hữu chéo đang khiến cho nền kinh tế bị bóp nghẹt bởi nợ xấu, vốn ảo và hàng loạt hệ lụy khác, song Ngân hàng Nhà nước lại đang dùng chính nó để giải quyết nó khiến giới chuyên môn lo ngại.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, dù chưa gọi đây là hiện tượng lũng đoạn nền kinh tế nhưng cũng có hơi hướng của việc lũng đoạn ngân hàng.
PV: - Tại Hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính" được tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thành có trình bày ma trận sở đầu tư, sở hữu chéo giữa các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước với hệ thống các ngân hàng thương mại. Ông có thể nói rõ hơn về cách dùng vốn ngân sách của các Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng tạo mối liên kết chéo để dễ dàng điều chỉnh các dòng tài chính này? 
TS. Lê Đăng Doanh: - Có thể hiểu đây là việc dùng vốn không đúng mục tiêu. Các doanh nghiệp có vốn đáng ra sẽ phải được dùng vào những nhiệm vụ mà nhà nước giao. Đằng này họ lại đi đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, ngân hàng…
Bây giờ khi buộc phải yêu cầu thoái vốn thì lại lấy lý do là bán dưới giá thành sẽ lỗ nên chậm thoái vốn.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Ông Nguyễn Xuân Thành
Ông Nguyễn Xuân Thành- Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
Trao đổi riêng với Đất Việt về việc có ý kiến cho rằng sở hữu chéo ở Việt Nam hiện nay đang 1 lợi, 10 hại thế nhưng nếu ra tay làm mạnh thì có thể dẫn đến nguy cơ sập hệ thống ngân hàng, nhưng chậm thì việc tái cơ cấu hệ thống coi như lỡ dở, ông Thành cho rằng đó là quan điểm riêng của các nhà quản lý nhà nước.
Riêng ông Thành thì cho rằng vẫn có thể giải quyết được sở hữu chéo. Đương nhiên khi nói làm nhanh, từ từ hay làm ngay chỉ mang tính ước đoán định tính.
"Nhưng hiện nay nói rằng cần lộ trình song thực ra lại không làm gì và khiến cho sở hữu chéo trở nên trầm trọng hơn. Đương nhiên là cần có một quá trình nhưng buộc phải làm.
Về mặt chính sách quan điểm của tôi rất rõ ràng là giải quyết sở hữu chéo là một nội dung của tái cấu trúc. Thế nhưng cách làm hiện nay là dùng sở hữu chéo để tái cấu trúc là cách làm ngược và những nguy cơ của nó thì cũng đã được các chuyên gia nói rất rõ là sẽ gây ra nhiều rủi ro và vẫn tiềm ẩn", ông Thành nói.
Tuy nhiên hiện tượng này chưa nên gọi là lũng đoạn nền kinh tế bởi lũng đoạn là khi làm một việc mà người khác không còn có giải pháp nào chống đỡ được.
Do vậy đây chưa thể coi là lũng đoạn nền kinh tế được. Tuy nhiên cũng phải nói rằng luật không cho phép nhưng hiện tượng các “đại gia” lũng đoạn ngân hàng ai cũng biết song chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.
PV: - Vậy với ma trận này, theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát vốn ngân sách, dẫn đến tình trạng trì trệ kém hiệu quả trong sản xuất và dẫn thẳng đến bờ vực phá sản của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước? Ông nghĩ sao về việc giám sát nguồn vốn ngân sách tại các Tập đoàn kinh tế Nhà nước? Ma trận sở hữu chéo này có là nguyên nhân vô hiệu hóa việc thanh tra, giám sát vốn?
TS. Lê Đăng Doanh: - Tôi nghĩ rằng họ đầu tư như vậy sẽ không tập trung được vào nhiệm vụ chính của họ và bây giờ đã quyết định là phải thoái vốn nhưng việc thoái vốn hiện nay là quá chậm.
 
PV: - Theo nhận định của các chuyên gia, sở hữu chéo ở Việt Nam hiện nay đang 1 lợi, 10 hại thế nhưng nếu ra tay làm mạnh thì có thể dẫn đến nguy cơ sập hệ thống ngân hàng, nhưng chậm thì việc tái cơ cấu hệ thống coi như lỡ dở. Ông nghĩ sao về nhận định này?
TS. Lê Đăng Doanh: - Tôi nghĩ rằng không nên nghĩ những chuyện to tát như vậy bởi trên thực tế cần có một lộ trình để thực hiện.
Do vậy tôi nghĩ rằng ngân hàng nhà nước cần đưa ra lộ trình và tiến độ rõ ràng để giải quyết việc xóa sở hữu chéo này.
PV: - Thưa Tiến sĩ, như ý kiến trong hội thảo việc Ngân hàng Nhà nước dùng sở hữu chéo để xử lý 9 ngân hàng yếu kém là giải pháp có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề trong tương lai. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
TS. Lê Đăng Doanh: - Đây là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Để cứu các ngân hàng yếu kém Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng này sáp nhập lại tức là lại thêm sở hữu chéo. Chuyện này có thể tạm thời chấp nhận.
Ở các nước khác người ta dùng vốn ngân sách để cứu sau đó một thời gian ngân hàng này khỏe lên thì họ bán ra có khi lại còn được lãi.
Nhưng ở đây trong trường hợp này thì ngân sách không mất đồng nào cả cho nên buộc ngân hàng nhà nước phải dùng như vậy thôi.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Bích Ngọc (Thực hiện)