Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

Sở hữu chéo làm rối loạn vốn, lợi ích nhóm cục bộ

Sở hữu chéo làm rối loạn vốn, lợi ích nhóm cục bộ

(ĐVO) –"Việc giám sát nguồn vốn trách nhiệm đã quá rõ ràng, vì đã để dòng vốn không đi đúng mục tiêu mà lại đi phục vụ cho các mục đích khác. Do vậy khuyết điểm trong quản lý, chỉ đạo của ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại là rõ ràng".
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chia sẻ với Đất Việt những vấn đề liên quan đến ma trận sở hữu chéo và đầu tư chéo trên thị trường tài chính thời gian qua.
TS Cao Sy Kiêm: Sở hữu chéo đang gây hậu họa cho thị trường vốn và đặc biệt là hoạt động của ngân hàng khi tiền tệ bị méo mó.
TS. Cao Sy Kiêm: Sở hữu chéo đang gây hậu họa cho thị trường vốn và đặc biệt là hoạt động của ngân hàng khi tiền tệ bị méo mó.
Dồn lợi ích cho một số nhóm cục bộ
PV: - Tại hội thảo “"Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính" được tổ chức sáng 31/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Thành có trình bày ma trận sở đầu tư, sở hữu chéo giữa các Tập đoàn Kinh tế Nhà nước với hệ thống các ngân hàng thương mại. Ông có thể nói rõ hơn về cách dùng vốn ngân sách của các Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư sang lĩnh vực ngân hàng tạo mối liên kết chéo để dễ dàng điều chỉnh các dòng tài chính này? Có thể hiểu hiện tượng này là lũng đoạn nền kinh tế không, thưa ông?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Tôi nghĩ rằng việc này rất nghiêm trọng và đang gây hậu họa cho thị trường vốn và đặc biệt là hoạt động của ngân hàng khi tiền tệ bị méo mó. Bây giờ phải giải quyết khâu này nếu không tất cả vốn dồn vào cho một số lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ dưới danh nghĩa sở hữu chéo nhưng sự thực là dồn vốn cho các doanh nghiệp thành viên, những cổ đông trong ngân hàng chứ không đưa vốn ra ngoài. Thông qua các công ty con, các nhóm này phục vụ cho quyền lợi của riêng mình. 
Bây giờ phải có những giải pháp quyết liệt để bớt những mối liên hệ căn bản của nó, nếu kéo dài sẽ dẫn đến tất cả dòng vốn không tập trung theo hướng chỉ đạo mà chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm riêng.
Xử lý không đơn giản
PV: - Vậy với ma trận này, theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính dẫn đến thất thoát vốn ngân sách, dẫn đến tình trạng trì trệ, kém hiệu quả trong sản xuất  của các Tập đoàn kinh tế Nhà nước? Ông nghĩ sao về việc giám sát nguồn vốn ngân sách tại các Tập đoàn kinh tế Nhà nước? Ma trận sở hữu chéo này có là nguyên nhân vô hiệu hóa việc thanh tra, giám sát vốn?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Tôi cho rằng đây không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng thất thoát vốn.
Có nhiều tổ chức tín dụng chi phối bởi một nhóm cổ đông và dư nợ của nhóm cổ đông này và các khách hàng có liên quan chiếm một tỷ trọng rất lớn trong tổng dư nợ của một tổ chức tín dụng, thậm chí có thể chiếm tới 90%”.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói trước Quốc hội hồi tháng 11/2012.

 
Còn với việc giám sát nguồn vốn trách nhiệm đã quá rõ ràng, vì đã để dòng vốn không đi đúng mục tiêu mà lại đi phục vụ cho các mục đích khác. Do vậy khuyết điểm trong quản lý, chỉ đạo của ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại là rõ ràng.
Tất nhiên cái này cũng khó bởi nếu có cấm đoán từ trước thì việc sở hữu chéo có thể vẫn diễn ra vì các ngân hàng, cổ đông thông đồng với nhau. Đến khi phát hiện cũng khó xử lý chứ không phải đơn giản.
PV: - Theo nhận định của các chuyên gia, sở hữu chéo ở Việt Nam hiện nay đang 1 lợi, 10 hại thế nhưng nếu ra tay làm mạnh thì có thể dẫn đến nguy cơ sập hệ thống ngân hàng, nhưng chậm thì việc tái cơ cấu hệ thống coi như lỡ dở. Ông nghĩ sao về nhận định này?
TS. Cao Sỹ Kiêm: - Tôi nghĩ rằng nếu làm mạnh tay, triệt được hẳn việc này thì không lo nguy cơ sập hệ thống ngân hàng, mà lo rằng khi mạnh tay không đúng hoặc mục tiêu không rõ thì có thể dẫn đến hiện tượng tràn lan và xử vào những chỗ không phải tội như thế thì cũng có nguy cơ hỏng việc.
Không thể nói chuyện không làm ở đây. Tuy nhiên làm thì phải có cơ chế, mục tiêu, phối hợp quản lý chặt chẽ nhịp nhàng giữa cơ chế và các ngành chức năng với nhau thì mới làm được.
Nếu không thì sẽ giống như việc rút viên gạch ở cuối cùng của một chồng gạch sẽ bị đổ cục bộ.
Nếu không giải quyết sở hữu chéo lúc này sẽ làm tăng thêm nhiều nguy cơ và việc tái cấu trúc cũng không đạt yêu cầu.
"Tôi xin nói thật, kể cả cơ quan công an vào cũng không dễ dàng gì. Xử lý vấn đề nghiêm trọng nhất của sở hữu chéo chính là việc ngăn chặn thao túng của các cá nhân, cổ đông lớn biến các ngân hàng thành ngân hàng “sân sau” của mình".
Ông Dương Quốc Anh (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia)
PV: - Thưa Tiến sĩ, như ý kiến trong hội thảo, việc ngân hàng nhà nước dùng sở hữu chéo để xử lý 9 ngân hàng yếu kém là giải pháp có thể đem lại lợi ích trước mắt nhưng sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề trong tương lai. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
TS TS Cao Sỹ Kiêm: -  Cũng phải công nhận rằng việc sở hữu chéo cũng có những mặt tích cực nhất định, thúc đẩy mối liên kết giữa các đối tác kinh doanh, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bên ngoài, hoặc trong bối cảnh điều kiện kinh tế thay đổi quá nhanh.
Đặc biệt sở hữu chéo tạo nguồn tài chính dồi dào, bền vững. Tuy nhiên, có được điều này là khi dòng vốn phải được đặt đúng tiêu chí, đúng địa chỉ.
Nếu bị lợi ích nhóm cục bộ chi phối thì nền kinh tế sẽ không được gì. Sở hữu chéo lúc này sẽ làm tăng tác hại lên, do vậy phải kiên quyết làm đến cùng.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Có tới 8 nhóm vấn đề có thể phát sinh từ hoạt động đầu tư chéo.

Thứ nhất, việc sở hữu chéo có thể dẫn tới các giao dịch bất hợp lý, phi thị trường (unfair) giữa các tổ chức có quan hệ sở hữu lẫn nhau. Các giao dịch này có thể dẫn tới các hành vi chuyển giá, trốn thuế…

Thứ hai, việc sở hữu chéo ảnh hưởng tiêu cực tới công tác quản trị công ty. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định không thuần túy vì mục đích kinh doanh, không hoàn toàn vì lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích của cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông không nắm giữ quyền chi phối, quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Thứ ba, việc sở hữu chéo có thể làm giảm mức độ minh bạch và sức cạnh tranh cũng như động lực phát triển trong hoạt động doanh nghiệp, từ đó làm giảm tính minh bạch và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo ra sự e ngại, tác động không tốt tới việc thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt từ các cổ đông chiến lược.

Thứ tư, việc sở hữu chéo, đặc biệt trong trường hợp các ngân hàng sở hữu cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp không hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, một mặt, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn với chi phí hợp lý, mặt khác chính điều này làm giảm động lực phát triển, giảm tính năng động, tạo sức ỳ lớn cho doanh nghiệp.

Thứ năm, tiềm ẩn rủi ro thị trường cho danh mục các cổ phiếu, cổ phần của các công ty con, công ty liên doanh, liên kết… Trường hợp là các cổ phiếu niêm yết và thị trường suy giảm, thiệt hại của danh mục đầu tư này làm giảm tổng giá trị tài sản của các tổ chức tín dụng, giảm năng lực tín dụng, từ đó làm giảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Thứ sáu, việc sở hữu chéo làm bóp méo (tăng) giá trị doanh nghiệp và giá trị cổ phiếu (bị đội giá trị - double counting). Ngoài ra, việc sở hữu chéo còn có thể dẫn tới tình trạng tăng vốn ảo. Cụ thể, các doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhau, hạch toán sở hữu cổ phiếu (bù trừ cho nhau) và không kèm theo việc thanh toán bằng tiền. Trong trường hợp tăng vốn ảo từ việc sở hữu chéo, các cổ đông khác sẽ bị thiệt hại do tác động của hiện tượng pha loãng làm sụt giảm giá thị trường của cổ phiếu.

Thứ bảy, sở hữu chéo còn tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán, đặc biệt tại các doanh nghiệp niêm yết. Lý do là các cổ đông sở hữu chéo thông thường nắm giữ cổ phần của nhau trong một thời gian dài, mà nếu lượng cổ phiếu nắm giữ bởi các cổ đông này quá lớn, phần cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floating shares) còn lại ít thì cổ phiếu đó rất dễ là đối tượng của các hoạt động lạm dụng, thao túng thị trường.
Bích Ngọc (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét