Ông Bùi Kiến Thành:Ma trận sở hữu chéo rất nghiêm trọng
(Tài chính)- Việc
dồn tiền vào bất động sản liên quan thế nào tới vấn đề sở hữu chéo và
an toàn của hệ thống ngân hàng, cũng như toàn nền kinh tế? Chuyên gia
Bùi Kiến Thành lý giải vấn đề đang được nhiều người quan tâm này.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành |
Là chuyên gia cao cấp về tài
chính, ông có thể giúp độc giả hiểu đúng và nhanh nhất về hiện tượng
cũng như bản chất của ma trận sở hữu chéo này?
Ông Bùi Kiến Thành: -
Phát biểu của vị lãnh đạo rất thú vị bởi lẽ, ông ấy là người đã từng
giữ những chức vụ lãnh đạo cao trong ngân hàng thương mại. Việc một
người thông hiểu về hệ thống ngân hàng phải tự nhận là “không thông
minh” như vậy có nghĩa vấn đề sở hữu chéo ở Việt Nam đang rất nghiêm
trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, thuộc
Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề
này, từ đó đi đến sơ đồ mạng nhện sở hữu chéo hiện nay ở các ngân hàng.
Gọi là ma trận cũng đúng vì hoạt động của nó rất phức tạp.
Vấn đề sở hữu chéo có thể tạm chia
thành hai nhóm như sau: một là sở hữu chéo ngân hàng - ngân hàng, hai là
sở hữu chéo nhóm lợi ích – nhiều ngân hàng.
Sở hữu chéo ngân hàng – ngân hàng tồn
tại bởi lẽ tại Việt Nam, khi một ngân hàng thương mại mới được cấp giấy
phép hoạt động, giấy phép đó đã được coi là có giá trị. Các cổ đông của
ngân hàng mới được cấp phép phát hành cổ phiếu, bán ra ngoài với mức
chênh lệnh gấp 2-3 tài sản thực tế đang có và hưởng phần lãi chênh lệch.
Những ngân hàng lớn vì muốn đầu tư hay
vì thế lực, quan hệ mua cổ phiếu của ngân hàng nhỏ với mức giá cao hơn
giá trị thực, hoặc cho những ngân hàng này vay mà không giám định. Điều
đó khiến cho nếu ngân hàng nhỏ bị phá sản thì ngân hàng lớn cũng bị lụy
theo. Tuy nhiên, vấn đề sở hữu chéo ngân hàng – ngân hàng ở Việt Nam
hiện nay chưa tới mức nghiêm trọng lắm.
Gây nguy hiểm nhất cho hệ thống tài
chính Việt Nam hiện nay là sở hữu chéo nhóm lợi ích – nhiều ngân hàng.
Ví dụ, một người có 1000 tỷ đồng mua cổ phần của ngân hàng A, lấy cổ
phần đó đến ngân hàng B để thế chấp vay, được thêm 1000 tỷ đồng nữa.
Người đó sẽ quay lại ngân hàng A để
mua thêm cổ phần để được vay nhiều hơn, hoặc mua cổ phần của ngân hàng
C, lấy cổ phần của ngân hàng C để thế chấp vay ngân hàng D, được 1000 tỷ
đồng mua cổ phần của ngân hàng E… Cứ như vậy, chỉ 1000 tỷ đồng chạy
thành ra 5000-7000 tỷ đồng bằng cách sở hữu chéo tại nhiều ngân hàng.
Vậy tại sao người ta lại làm như vậy? Bởi những người vay mua cổ
phiếu, thành cổ đông lớn của ngân hàng thì sẽ khống chế, chi phối được
ngân hàng đó để vay cho mục đích đầu tư cá nhân của mình.
Kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có những ngân
hàng nhỏ, tổng số tín dụng huy động 40.000 – 50.000 tỷ đồng, cho cổ đông
vay đến 50-60% số đó, nghĩa là ngân hàng thương mại trở thành công cụ
huy động vốn trong dân để tài trợ cho hoạt động sân sau của cổ đông. Như
vậy cả hệ thống ngân hàng bị lún vào vấn đề sở hữu chéo của một số
người.
Các nước khác có gặp phải vấn đề như Việt Nam hay không? Câu trả
lời là: Không, bởi không ở đâu có chuyện một anh nắm quyền cổ đông lớn
của ngân hàng thì sẽ tự cho mình hoặc người quen của mình vay “vô tội
vạ” như thế.
Nhật Bản có 6 tập đoàn lớn, mỗi tập đoàn sở hữu một ngân hàng (ví
dụ Tập đoàn Mitsubishi có Ngân hàng Mitsubishi, Tập đoàn Sumitomo của
Ngân hàng Sumitomo Mitsui…). Theo luật, các ngân hàng này chỉ cho các
doanh nghiệp thuộc Tập đoàn vay không quá 20% vốn điều lệ, chứ không
phải vì cùng thuộc tập đoàn mà muốn cho vay bao nhiêu cũng được.
"Gọi là ma trận cũng đúng vì hoạt động này ma quái trong mục đích cũng như cách thực hiện". |
PV: - Tại sao sở
hữu chéo nhóm lợi ích - nhiều ngân hàng lại gây nguy hiểm nhất cho hệ
thống ngân hàng? Và việc tồn tại ma trận sở hữu chéo này đang gây ra
những hậu quả gì cho hệ thống tài chính và việc điều hành kinh tế ở Việt
Nam, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: -
Theo số liệu được báo cáo về Ngân hàng Nhà nước, tại nhiều ngân hàng
thương mại, tín dụng bất động sản chiếm 30-40% tổng tín dụng. Đó là chưa
kể rất nhiều doanh nghiệp vay tiền ngân hàng trên giấy tờ là để đầu tư
vào mục đích sản xuất kinh doanh nhưng thực chất để đầu tư bất động sản.
Vậy việc dồn tiền vào bất động sản
liên quan thế nào tới vấn đề sở hữu chéo và an toàn của hệ thống ngân
hàng, cũng như toàn nền kinh tế?
Trong những năm qua, đầu tư bất động
sản là hoạt động kinh doanh siêu lợi nhuận. Các chủ dự án được sử dụng
đất của người nông dân chỉ phải đền bù hoa màu với mức từ vài trăm ngàn
tới hơn 1,5 triệu đồng/m2.
Khi bán ra, giá bất động sản có thể
lên tới vài chục đến cả trăm triệu đồng/m2, như vậy, lợi nhuận từ các dự
án bất động sản từ mấy trăm % tới hàng nghìn %. Vì siêu lợi nhuận như
vậy nên các chủ dự án có thể vay ngân hàng với lãi suất rất cao, 20-30%.
Tới thời điểm này, bất động sản đang
đưa ra những sản phẩm không có thị trường. Những căn hộ với mức giá từ
20 triệu đồng/m2 tới 70 triệu đồng/m2 được giao dịch chủ yếu giữa các
nhà đầu cơ, còn người mua cuối cùng để sử dụng thì rất ít.
Xét từ phía cầu, các giải pháp hiện
nay chưa tạo nguồn tín dụng an toàn, dễ tiếp cận để người dân vay mua
nhà. Các ngân hàng trước đây cho vay với lãi suất 16%, sau giảm thành
10%.
Vừa rồi Chính phủ đưa ra chính
sách cho vay với lãi suất 6% trong vòng 10 năm, nhưng chính sách đó vẫn
chưa phù hợp. Người dân không dám vay mua nhà giá trị bằng 20-25 năm thu
nhập mà phải trả trong 10 năm. Nói cách khác, người dân có nhu cầu nhà ở
cũng không đào đâu ra tiền để mua.
Có thể thấy, bất động sản Việt Nam
đang không có giải pháp. Những nhóm lợi ích lợi dụng sở hữu chéo rút
tiền huy động trong dân đưa vào những dự án bất động sản là chính, giờ
không rút ra được.
Theo quy định của Basel II & III,
thì nợ xấu của ngân hàng không được vượt quá 2% trên tổng dư nợ. Nhưng
theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thì nợ xấu đang ở mức
8,6%, cao gấp 4 lần so với các quy định của Basel.
Nếu dựa trên đánh giá của các tổ chức
quốc tế, nợ xấu tại Việt Nam đang ở mức 14-15% thì mức chênh lệch còn
lớn hơn nữa. Dù theo cách đánh giá nào thì nợ xấu tại Việt Nam
cũng đang ở ngưỡng “báo động đỏ” mà nguyên nhân chủ yếu do sở hữu chéo
của các nhóm lợi ích “chết” trong bất động sản.
Điều này rồi sẽ dẫn tới đâu? Khi một
mắt xích trong ma trận sở hữu chéo bị phá sản thì sẽ gây hiệu ứng
domino, ảnh hưởng tới toàn hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng lung
lay thì toàn nền kinh tế sẽ lung lay.
PV: - Liệu ông có thể lý giải vì sao ma trận sở hữu chéo như hiện nay tồn tại được?
Ông Bùi Kiến Thành: -
Theo thông lệ, Ngân hàng Nhà nước có Ban Thanh tra với nhiệm vụ phải
thanh tra để áp dụng những quy định của Nhà nước về hoạt động ngân hàng
và xử lý kịp thời những sai phạm. Để xảy ra tình trạng này nghĩa là Ngân
hàng Nhà nước đã chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.
Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Tôi xin lấy một ví dụ, cách đây không
lâu, báo chí có phanh phui vụ việc một vị lãnh đạo ngân hàng vay được
9.000 tỷ đồng trên 11.000 tỷ đồng vốn điều lệ của ngân hàng đó. Trên
giấy tờ, không phải chỉ vị lãnh đạo đó ký tên vay mà là tài xế, người
làm công… trong nhà ông lãnh đạo đó vay và ông ta là người thụ hưởng.
Chấp nhận giả định là nghiệp vụ nhân
viên ngân hàng thương mại kém, hoặc vì hám lãi suất mà ngân hàng thương
mại cố tình bỏ qua không thẩm tra tính bất hợp lý của việc một ông tài
xế lương 5-7 triệu/tháng đi vay một khoản tiền vài trăm hay vài nghìn tỷ
đồng, khi đó buộc phải đặt câu hỏi, hoạt động giám sát của Ngân hàng
Nhà nước được thực hiện thế nào mà để xảy ra những vụ vi phạm nghiêm
trọng như vậy, không nhận ra những khoản vay đáng ngờ đến vậy?.
Nếu năng lực nghiệp vụ của ngân hàng
thương mại đó kém đến mức không nhìn thấy gì thì Ngân hàng Nhà nước phải
xem lại và chịu trách nhiệm về sự yếu kém của các cơ quan và công chức
trực thuộc.
Bài tiếp: Còn ma trận sở hữu chéo, khó có thể nói chuyện tái cấu trúc kinh tế
Hoàng Hạnh (Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét