Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Đầu tư không quy hoạch: trường hợp Tổng Công ty Mía đường


Tổng Công ty Mía đường phải chịu trách nhiệm về sai lầm tại Linh Cảm
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) Võ Hồng Phúc, ngành mía đường Việt Nam sai lầm vì đã đầu tư theo phong trào trong khi chưa quy hoạch. Điển hình là nhà máy đường Linh Cảm tại Hà Tĩnh, mà cơ quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp là người đề nghị đầu tư - Tổng công ty Mía đường. Bộ trưởng cho biết, sẽ có biện pháp xử lý những người quyết định đầu tư sai.
- Thưa Bộ trưởng, số phận của các nhà máy đường thua lỗ sẽ được giải quyết như thế nào?
- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang có đề án trình Thủ tướng xem xét xử lý vấn đề này. Về phía Bộ KH-ĐT, chúng tôi cho rằng cần phải có các biện pháp mạnh mẽ. Những vùng nào, nhà máy nào thua lỗ kéo dài triền miên, không thể chịu đựng nổi nữa thì cần có sự chuyển đổi. Có thể chuyển đổi thành cổ phần hóa để có mô hình hiệu quả hơn hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất thay mía bằng loại cây trồng khác. Vừa rồi, các nhà máy đường Linh Cảm (Hà Tĩnh) và Thừa Thiên-Huế sau khi được dời vào Trà Vinh và Phú Yên đã hoạt động khả quan hơn. Tôi cho rằng phải kiên quyết chuyển hoặc xóa bỏ những nhà máy hoạt động không hiệu quả.
- Như vậy việc đầu tư các nhà máy đường ở Linh Cảm và Huế là sai lầm.
- Đúng là đầu tư ở hai nơi trên đều sai lầm. Sai lầm này do người quyết định đầu tư và chủ đầu tư. Chẳng hạn, khi chọn Linh Cảm người ta chủ quan không điều tra, không quy hoạch, không nghiên cứu gì cả. Vùng Linh Cảm (huyện Đức Thọ) là vùng trồng lúa rất tốt. Tôi biết rõ người dân ở đây trồng ba vụ/năm: hai lúa và một màu, thu được khoảng 35-40 triệu đồng/ha. Nhưng nếu trồng mía, người ta nói với tôi năng suất cao nhất là 80 tấn/ha. Với giá mía 220.000 đồng/tấn thì chỉ được gần 20 triệu đồng/ha. Trồng mía thu nhập chỉ bằng 1/2-1/3 cây trồng khác thì đời nào người nông dân trồng mía. Không có mía thì nhà máy không có nguyên liệu. Nhà máy đường Linh Cảm khi đi vào sản xuất vụ đầu tiên chỉ chạy được có 15 ngày, như thế thì không thể tồn tại được.
- Thưa Bộ trưởng, ai là người quyết định đầu tư nhà máy đường Linh Cảm ở Hà Tĩnh?
- Bộ NN-PTNT là người quyết định chủ trương đầu tư và người đề nghị đầu tư là Tổng công ty Mía đường 1. Đây là nhà máy của Bộ chứ không phải của địa phương. Người ta đã mất hàng chục tỷ đồng đầu tư mặt bằng ở Linh Cảm, cộng thêm chi phí dời nhà máy vào Trà Vinh. Nếu đầu tư ngay từ đầu ở Trà Vinh thì không tốn kém những khoản này.
- Khoản tốn kém này cuối cùng ai chịu?
- Tổng công ty Mía đường 1 phải chịu. Ngân sách nhà nước không đầu tư vào công trình này. Tổng công ty Mía đường vay vốn tín dụng đầu tư và sử dụng vốn tự có của mình đổ vào đây.
- Nhưng Tổng công ty Mía đường là doanh nghiệp nhà nước, như vậy dù là vốn tự có hay vốn vay cũng đều là tiền của Nhà nước.
- Đúng là tiền đấy tính cho cùng có nguồn gốc Nhà nước. Sau này chắc chắn cũng phải có biện pháp xử lý. Tôi cho rằng trước hết Tổng công ty Mía đường phải chịu trách nhiệm.
- Doanh nghiệp mía đường đương nhiên phải chịu trách nhiệm trực tiếp, còn người quyết định đầu tư sai thì chịu trách nhiệm gì, thưa Bộ trưởng?
- Hiện mới quy trách nhiệm thôi, còn tùy mức độ của từng khâu, từng cấp mới có quyết định xử lý cụ thể là doanh nghiệp chịu trách nhiệm đến đâu, bộ chịu trách nhiệm như thế nào. Tôi chưa thể nói trước được.
- Như vậy những quyết định đầu tư sai lầm này là do đầu tư theo phong trào hay do quy hoạch theo phong trào?
- Đây là trường hợp đầu tư theo phong trào. Tôi muốn nói rõ thêm là mía đường chưa có quy hoạch mà chỉ mới có tổng quan mía đường. Tổng quan này chỉ định hướng chung chứ chưa phải là quy hoạch. Muốn làm quy hoạch phải có nghiên cứu đầy đủ và cụ thể hơn. Và mỗi khi cần xuất hiện nhà máy ở đâu thì phải nghiên cứu quy hoạch cả vùng nguyên liệu.
- Thưa Bộ trưởng, chưa có quy hoạch mía đường nhưng vì sao lại có đầu tư hàng loạt dự án mía đường ở khắp nơi?
- Đây là cái sai của chúng ta, chưa làm quy hoạch mía đường mà đã đầu tư, và trong khi đầu tư cũng chưa bám sát các quyết định của Chính phủ. Cũng có nhiều trường hợp chưa có quy hoạch vẫn làm, nhưng phải nghiên cứu rất kỹ từng dự án một, từng công trình cụ thể thì mới bảo đảm đầu tư có hiệu quả.
- Hậu quả của đầu tư hàng loạt nhà máy đường là đường rớt giá và một số doanh nghiệp trong Hiệp hội Mía đường đã "bắt tay" ngưng bán đường.
- Tôi có biết và cá nhân tôi không đồng tình. Điều này không bảo đảm cho sự cạnh tranh bình đẳng. Nó đánh đồng giữa nhà máy làm ăn hiệu quả và nhà máy không hiệu quả. Nơi có hiệu quả thì bị sản xuất cầm chừng, không được bán sản phẩm để "gánh" cho những nhà máy làm ăn không hiệu quả. Và những nhà máy không hiệu quả vẫn cứ tiếp tục sản xuất ra đường. Đáng lẽ trong trường hợp này phải phát huy tối đa các nhà máy sản xuất có hiệu quả để bảo đảm việc sản xuất đường vừa có hiệu quả, vừa hợp lý.
Khi chúng ta đi vào kinh tế thị trường thì phải chấp nhận những quy luật của kinh tế thị trường. Mặc dù Nhà nước có định hướng nhưng chỉ ở khâu nào, lĩnh vực nào cho hợp lý thôi, chứ dùng biện pháp hành chính mà can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh là không được. Bộ Thương mại đã được giao xem xét xử lý vấn đề này.
- Thưa Bộ trưởng, vấn đề mía đường dường như không còn là chuyện của doanh nghiệp này hay doanh nghiệp kia mà là cả hệ thống chương trình 1 triệu tấn đường. Vậy bài toán mía đường sẽ được giải như thế nào trên bình diện kinh tế vĩ mô?
- Tôi chưa dám nói bây giờ vì còn đang chờ báo cáo tổng hợp và đánh giá tình hình của Bộ NN-PTNT. Khi có báo cáo này, Chính phủ sẽ bàn trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ từng nhà máy một, từng vùng nguyên liệu một.
(Theo Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét