Mặc dù đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, nhưng khái niệm tài chính vi mô vẫn còn tương đối mới mẻ đối với Việt Nam. Tài chính vi mô là gì? Ai là khách hàng của tài chính vi mô? Tài
chính vi mô có thể là hoạt động có lợi nhuận được không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả những khái niệm cơ bản về tài chính vi mô.
1. Tài chính vi mô là gì?
Tài chính vi mô là việc cấp cho các hộ gia đình rất nghèo các khoản vay rất nhỏ (gọi là tín dụng vi mô), nhằm mục đích giúp họ tham gia vào các hoạt động sản xuất, hoặc khởi tạo các hoạt động kinh doanh nhỏ. Tài chính vi mô thường kéo theo hàng loạt các
dịch vụ khác như tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, vì những người nghèo và rất nghèo có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm tài chính, nhưng không tiếp cận được các thể chế tài chính chính thức.
Tài chính vi mô khác tín dụng vi mô ở chỗ: tài chính vi mô đề cập đến các hoạt động cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm, chuyển giao dịch vụ và các sản phẩm tài chính khác đến cho nhóm khách hàng có
thu nhập thấp. Tín dụng vi mô chỉ đơn giản là một khoản cho vay nhỏ, do ngân hàng hoặc một tổ chức nào đó cấp. Tín dụng vi mô thường dành cho
cá nhân vay, không cần tài sản thế chấp, hoặc thông qua việc cho vay theo nhóm.
Người nghèo, cũng giống như tất cả mọi người, cần có nhiều loại công cụ tài chính để tích lũy tài sản, bìnhổn tiêu dùng và tự bảo vệ mình trước rủi ro. Chính vì thế, theo nghĩa rộng, tài chính vi mô là việc tìm ra phương cách hiệu quả và đáng tin cậy để cung cấp ngày càng nhiều hơn các sản phẩm tài chính vi mô.
2. Tài chính vi mô hỗ
trợ người nghèo như thế nào?
Ở Việt Nam, khách hàng
của tài chính vi mô là người
nghèo tại thời điểm vay vốn có
thu nhập dưới 200 nghìn đồng/thángở nông thôn và dưới 260 nghìn đồng/tháng ở thành thị.
Kinh nghiệm cho thấy, tài chính vi mô có thể giúp người nghèo tăng thu nhập, tạo lập hoạt động kinh doanh bền vững và giảm khả năng dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài. Tài chính vi mô cũng là công cụ mạnh mẽ giúp người nghèo, đặc biệt phụ nữ, tăng cường quyền lực kinh tế và trở thành các chủ thể kinh tế.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ khả năng dễ bị tổn thương của những người sống dưới ngưỡng nghèo trước những cú sốc nhưốm đau, thiên tai, mất cắp và các sự cố khác. Nguồn tài chính hạn hẹp của các hộ gia đình chính là nguyên nhân gây ra sự tổn thương trước các cú sốc này, và do thiếu các dịch vụ tài chính hữu hiệu, các gia đình bị đẩy vào tình trạng nghèo cùng cực hơn và phải mất nhiều năm để khắc phục. 3. Tổ chức tài chính vi mô là gì?
Một cách đơn giản nhất, tổ chức tài chính vi mô là tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập thấp. Hầu hết các tổ chức tài chính vi mô đều cho vay tín dụng vi mô và chỉ nhận gửi những khoản tiết kiệm rất nhỏ từ người vay chứ không phải từ công chúng. Trong ngành tài chính vi mô, thuật ngữ này dùng để chỉ các tổ chức được thành lập để cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô, ví dụ: các tổ chức phi chính phủ (NGO), liên minh tín dụng, hợp tác xã tín dụng, ngân hàng thương mại tư nhân, các tổ chức tài chính phi ngân hàng và một bộ phận nào đó của ngân hàng nhà nước.
Nhiều tổ chức phi chính phủ có thể không đồng tình với quan điểm cho rằng, về bản chất, họ là các tổ chức tài chính (mặc dù họ cung cấp phần lớn các khoản tín dụng vi mô). Nguyên nhân là do, song song với việc cung cấp tín dụng vi mô, các tổ chức phi chính phủ còn thực hiện nhiều hoạt động phi tài chính vì mục đích phát triển khác. Tuy nhiên, xét từ lĩnh vực hoạt động, chúng ta có thể gọi các tổ chức phi chính phủ là các tổ chức tài chính vi mô vì họ tham gia vào việc cung cấp dịch vụ tài chính cho người nghèo. Tương tự như vậy, một số ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ tài chính vi mô cũng được gọi là tổ chức tài chính vi mô ngay cả khi chỉ một phần rất nhỏ trong tài sản của họ được huy động cho mục đích cung cấp dịch vụ tài chính vi mô.
Ngoài ra, cũng có các tổ chức khác tham gia vào hoạt động tài chính vi mô và đóng một vai trò nhất định trong lĩnh vực tài chính. Đó là các trung gian tài chính dựa vào cộng đồng, như liên minh tín dụng, hiệp hội nhà ở hoạt động trên cơ sở hội viên. Một số loại hình tổ chức tài chính vi mô khác do các nhà kinh doanh hoặc chính quyền địa phương quản lý thường có quy mô khách hàng lớn hơn so với các tổ chức phi chính phủ và là một bộ phận trong khu vực tài chính chính thức. Mặc dù loại hình tổ chức tín dụng vi mô này không tiếp cận được sâu tới những người nghèo như các tổ chức phi chính phủ, nhưng nhiều người nghèo đã tiếp cận được vốn của các tổ chức này với mức độ khác nhauở các nước khác nhau.
Hiện nay, ở Việt Nam có hàng trăm tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô thuộc ba khu vực: khu vực chính thức, khu vực bán chính thức và khu vực phi chính thức. Khu vực chính thức gồm hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Khu vực bán chính thức gồm các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và chương trình của các tổ chức xã hội. Khu vực phi chính thức là các nhóm cho vay tương hỗ dưới hình thức phường, họ, hụi, thậm chí vay nặng lãi...
4. Tại sao các tổ chức tài chính vi mô phải tính lãi suất cao đối
với người nghèo vay vốn?
Việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người nghèo rất tốn kém, đặc biệt khi so sánh với quy mô cho vay. Đây là một trong các lý do quan trọng nhất khiến các ngân hàng
thương mại không thực hiện các khoản cho vay nhỏ. Chúng ta có thể thấy một khoản cho vay 100$ cũng đòi hỏi chi
phí về nhân sự và các nguồn lực khác tương tự như khoản cho vay 2.000$. Vì thế, tỷ lệ chi phí giao dịch so với tổng tiền vay của các khoản vay nhỏ thường cao. Cán bộ tín dụng phải đến thăm nhà cửa, cơ sở làm ăn của người vay, đánh giá độ tin cậy của người vay thông qua các cuộc
phỏng vấn các thành viên gia đình và những người quen khác của người vay, và có khi còn phải thường xuyên đến gặp người vay để nhắc nhở họ về việc trả nợ. Các chi phí này có thể lên tới 25$. Xét về giá trị tuyệt đối, đây là một con số nhỏ. Song tính theo tỷ lệ, chi phí này bằng 25% trị giá khoản vay 100$. Điều đó khiến ngân hàng phải tính lãi suất cho vay cao để trang trải chi phí thực hiện việc cho vay.
Trên thực tế, người đi vay sẵn sàng trả mức lãi suất cao cần thiết để duy trì khả năng tiếp cận tín dụng dài hạn. Họ thừa nhận rằng các phương thức khác (vay nặng lãi từ khu vực tài chính phi chính thức,
hoặc thậm chí không vay) đều
không thích hợp với họ. Trước hết, nếu vay từ khu vực tài chính phi
chính thức, người nghèo sẽ phải trả mức lãi suất cao, vượt ngoài khả năng chi trả của họ. Thứ hai, nếu không vay, người nghèo sẽ không thể nắm bắt được các cơ hội làm ăn do thiếu vốn. Do đó, việc tiếp cận được vốn vay sẽ giúp người nghèo nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao khả năng chi trả. Thu nhập từ các cơ hội đầu tư đó có thể cao hơn nhiều so với lãi suất họ phải trả.
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy các chương trình tín dụng cho vay với lãi suất “trợ cấp” thường kết thúc bằng việc áp dụng cơ chế phân phối để phân bổ tín dụng đối với nhu cầu quá lớn của người vay. Cơ chế này khiến người đi vay gặp khó khăn do
phải mất nhiều thời gian và tiền bạc hơn để có được khoản vay. Thông thường, các chi phí giao dịch này cao hơn lãi suất và triệt tiêu lợi ích của mức lãi suất “trợ cấp”, trong khi việc tiếp cận tín dụng một cách bền vững và dài hạn mang lại lợi ích lớn hơn nhiều. Vì thế, các tổ chức tài chính vi mô phải liên tục cải thiện hiệu quả và mở rộng quy mô cho vay. Điều này sẽ làm giảm chi phí cho vay, mang lại lợi ích cho người nghèo dưới hình thức đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn và giảm chi phí vay vốn.
5. Người nghèo tiết kiệm như thế nào?
Người nghèo thường tiết kiệm theo cách mà chúng ta cho rằng “không bình thường”. Ví dụ, đầu tư vào các tài sản dễ chuyển đổi thành tiền mặt như vàng, động vật nuôi, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với các vấn đề đột xuất và cần đến tiền mặt như chữa bệnh, nộp tiền học cho con cái, lo việc hiếu, hỷ...
Cách thức tiết kiệm của người nghèo như trên có thể gây khó khăn cho họ. Họ không thể cắt một chân con dê và nói
đó là nguồn tiết kiệm của gia đình mỗi khi cần tiền đột xuất. Hoặc một phụ nữ cho người trong gia đình
vay khoản tiền tiết kiệm của mình cũng không thể có ngay tiền mặt khi cần. Người nghèo cần loại hình tiết kiệm vừa an toàn vừa dễ thanh khoản. Họ ít quan tâm tới lãi suất thu được từ tiền tiết kiệm, vì họ không quen với loại hình tiết kiệm dưới dạng các giấy tờ có giá, mà quan tâm đến loại hình tiết kiệm dễ dàng thanh khoản để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp và mua sắm tài sản. Dịch vụ tiết kiệm này cần được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người vay và nhu cầu về chu chuyển tiền mặt của họ. Thông thường người nghèo không chỉ có thu nhập thấp mà nguồn thu của họ rất thất thường. Vì thế, để tăng tỷ lệ tiết kiệm của người nghèo, các tổ chức tài chính cần tạo cho người nghèo, sự linh hoạt cả về số tiền gửi lẫn tần suất trả vào và vay ra. Đây chính là một trong những thách thức đối với ngành tài chính vi mô vốn chưa quan tâm nhiều tới các khoản tiền gửi trị giá nhỏ.
6. Tài chính vi mô có thể là hoạt động sinh lời được không?
Hoàn toàn có thể. Các số liệu từ báo cáo của Bản tin Ngân hàng Vi mô cho thấy, 63 tổ chức tài chính vi mô hàng đầu trên thế giới có tỷ suất thu hồi bình quân (sau khi điều chỉnh lạm phát loại bỏ các nguồn trợ cấp, nếu có) vào khoảng 2.5% tổng tài sản. Điều này cho thấy, các tổ chức tín dụng vi mô có khả năng gia nhập lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và thu hút được đa số khách hàng. Có quan điểm lo ngại rằng, việc quá coi trọng mục tiêu lợi nhuận sẽ khiến các tổ chức tài chính vi mô chỉ nhằm vào các khách hàng vay lớn và có khả năng hoàn trả tốt. Điều này tạo ra “tác động loại trừ” và những người nghèo dễ bị tổn thương sẽ không tiếp cận được nguồn vốn của khu vực ngân hàng.
Mặc dù các tổ chức tài chính vi mô phục vụ những người nghèo nhất hoạt động không hiệu quả bằng những tổ chức phục vụ những người khá giả hơn, nhưng hiệu quả hoạt động của các tổ chức phục vụ những người nghèo nhất ngày càng được cải thiện. Những người lãnh đạo của các tổ chức tài chính vi mô
ngày càng nhận thức rõ tính bền vững đóng vai trò tối quan
trọng đối với việc mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng của các tổ chức này. Vì thế, họ tích cực tìm cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức.Tóm lại, tài chính vi mô là việc
cung cấp các khoản tín dụng nhỏ (gọi là tín dụng vi mô) cho người nghèo, nhằm giúp họ kiếm kế sinh nhai. Các khoản tín dụng vi mô thường được thực hiện lồng ghép với các dịch vụ khác như tiết kiệm, bảo hiểm, thanh toán và chuyển tiền. Mặc dù người nghèo có thu nhập thấp và nguồn thu không ổn định, nhưng thực tế hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô trên toàn thế giới cho thấy người nghèo vẫn có khả năng tiết kiệm và hoàn trả nợ tốt nếu được giám sát chặt chẽ, đóng góp tích cực đối với khả năng sinh lời và sự bền vững của các tổ chức tài chính vi mô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét